Địa hình, bố trí phòng ngự đồi C1 của Pháp Trận_đồi_C1

Địa hình

Cao điểm C bố trí trên 3 điểm cao thuộc dãy đồi phía đông Điện Biên Phủ, nằm ở giữa các điểm cao A1, D1, D3. Dãy đồi này chạy dài từ bắc xuống nam là bức tường chắn bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Pháp cho đóng 8 cứ điểm trên dãy đồi này, hình thành hướng phòng ngự chủ yếu đề ngăn chặn đối phương từ phía đông và đông bắc đánh vào trung tâm. Ngoài những điểm cao này, các cứ điềm khác thuộc khu trung tâm đều ở vị trí thấp. Giữ được các điềm cao phía đông, quân Pháp mới có chỗ dựa để cố thủ.

Cứ điểm C1 nằm trên điểm cao 493, cao 50 m, là một quả đồi nhọn; sườn phía đông dốc thoải hơn sườn phía tây, đỉnh cao là khu Cột cờ, có thể quan sát và khống chế được xung quanh. Sườn phía đông có một mỏm nhô ra phía trước. So với D1, C1 ở thụt vào phía trong, do đó hỏa lực bắn thẳng của Pháp ở D1 có thể kiểm soát tới chân C1.

Sát chân C1 về phía đông là điểm cao 473 (còn gọi là đồi Mâm xôi) thấp hơn 20 m, nhưng hỏa lực bắn thằng từ đây có thể kiểm soát khu vực giữa Cl, D2 và đồi Yên Ngựa giữa Cl, C2.

Đông nam C1 có 1 mỏm thấp nhô ra chân C2 (điểm cao 437), hỏa lực từ C1 có thể khống chế. Tây Nam C1 là cứ điểm C2 nằm trên 2 mỏm đồi 485 và 484, cao 42 m, C1 và C2 cùng nằm trên một dãy dồi, chỉ cách nhau khoảng 100 mét qua một sườn đồi võng xuống như hình yên ngựa. C2 dài hơn nhưng thấp hơn C1, phía nam C2 khoảng 490m là A1, cao gần bằng Cl, lại nhô ra phía ngoài, cùng với hỏa lực ở C1, C2 tạo thành lưới lửa dày đặc trước tiền duyên. Phía tây C1 khoảng 200 m có đường số 41 chạy từ bắc xuống nam. Từ C1 có đường về Mường Thanh, sang C2, A1, D1, xe tăng có thể đi được.

Bố trí phòng ngự của Pháp

Sau khi mất các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, khu trung tâm của Pháp được tổ chức thành hai phân khu đông và tây. Pháp chú ý phòng ngự phần khu đông nên đã tăng cường 2 tiểu đoàn Dù (6è BPC và 5è BPVN) để chiếm đóng thêm một số cứ điểm nhằm củng cố khu vực phòng thủ, đồng thời làm lực lượng cơ động phản kích. Cứ điểm C1, C2 do Đại đội 3 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn bộ binh Maroc số 4 (1/4è RTM) là một đơn vị quen phòng ngự rừng núi chiếm giữ. Trang bị có 2 súng cối 60 mm, 3 đại liên, 8 trọng liên, 2 súng phun lửa, còn lại là súng trường, tiểu liên. Đội hình bố trí như sau:

  • Chỉ huy đại đội ở đỉnh cao nhất (khu Cột cờ), các trung đội bố trí ở các khu vực xung quanh cứ điểm. Riêng trung đội Lê dương bố trí ở khu Cột cờ làm lực lượng phản kích khi bị tiến công, đột nhập.
  • Hỏa lực bố trí thành hai tầng. Tầng dưới hướng ra ngoài gồm một hệ thống 9 lô cốt quanh cứ điểm, bố trí trung liên, đại liên để kiểm soát mặt đất. Tầng trên bố trí trọng liên 12,7 mm, cối 60 mm, cối 81 mm; súng phun lửa bố trí trên hướng bị uy hiếp. Trong trung tâm cũng có bố trí hỏa lực.
  • Ở những nơi hỏa lực của bản thân cứ điểm không kiểm soát được thì dùng hỏa lực bắn thẳng, cầu vồng của các cứ điểm lân cận không chế (D1, D3, A1 bắn tới chân C1, C2; đại liên ở đồi Mâm xôi, 12,7 mm ở Mường Thanh bắn ra đồi Yên ngựa giữa C1-C2). Đồng thời quân Pháp cũng chuẩn bị cho 1 tiểu đoàn pháo (12 khẩu) ở Hồng Cúm, cối 120mm ở Mường Thanh và hỏa lực ở các cứ điềm lân cận bắn vào những nơi đối phương có thể triển khai lực lượng tiến công.
  • Công sự trận địa theo kiểu dã chiến lâu dài, tương đối vững chắc, nhất là ở hướng đông. Cấu trúc hệ thống chiến hào nhiều tầng, xen kẽ các lô cốt, có giao thông hào nối liền, hình thành điểm tựa vòng tròn. Giao thông hào sâu 1,7 mét, rộng 0,8m nhiều đoạn có nắp, nhưng gấp khúc, khó cơ động. Ụ súng, lô cốt bằng bao cát, gỗ đất dày 0,8 - 1,5 m chống được đạn cối 82 mm. Những công sự quan trọng như hầm chỉ huy, trung tâm thông tin lát bằng gỗ hoặc ghi đường băng máy bay, trên đắp đất dày. Vật cản được bố trí kết hợp với địa hình vả hỏa lực, khoảng cách giữa 2 hàng rào 7–15 m. Trong cứ điểm, giữa các trung đội có hàng rào đơn ngăn cách; các ụ súng lớn, hầm chỉ huy đều có hàng rào dây thép gai bao bọc. Mìn bố trí dày đặc trong và ngoài các hàng rào.
  • Khi bị tiến công, C1-C2 có thể được tiểu đoàn pháo cối chi viện. Về không quân có thể được chi viện 10 - 20 lần chiếc/ngày: lực lượng phản kích ứng cứu có thể 1-3 tiểu đoàn bộ binh, có 2 - 3 xe tăng yểm hộ theo 2 hướng: Từ C2 qua đồi Yên ngựa và từ C1 lên, hoặc ngay từ chân C2 phản kích theo giao thông hào.

Tóm lại, cứ điểm phòng ngự có binh lực, hỏa lực mạnh, công sự dày đặc, vững chắc, hướng phòng ngự chủ yếu là hướng đông; khi bị tiến công được hỏa lực của các cứ điểm lân cận và của tập đoàn cứ điểm chi viện.

Liên quan